Có rất nhiều lý do khiến phụ nữ nói nhiều một cách không cần thiết. Căn bệnh này từng làm rất nhiều ông chồng căng thẳng, điên đầu. Đừng hy vọng có thể chữa dứt điểm “căn bệnh” này. Tuy nhiên nếu “mưu trí” một chút có thể hạn chế nó. 1. Án binh bất động
Đây không hẳn là thượng sách thậm chí có thể coi là khổ nhục kế. Tuy nhiên trong một số trường hợp khi đấu khẩu có khả năng châm ngòi chiến cuộc thì bạn cũng phải lựa chọn cách này.
Mặc dù với một số người thì im lặng cũng không phải là dễ. Rất có thể bụng bảo dạ là không nói gì nhưng khi lâm sự nghe vài câu ngứa tai quá là lại không chịu được và sẵn sàng nhảy ra tham chiến.
Bạn cần ý thức rằng không phải mình nhẫn nhịn một cách thông thường mà là mình đang thực hiện một chiến lược. Sau một vài lần bạn án binh bất động, “đối thủ” sẽ cảm thấy ngạc nhiên. Đến một lúc nào đó cô ta sẽ nhận ra rằng ai nói nhiều thì chính người đó lại phải nghe nhiều nhất.
2. Hư chiêu
Khi vợ bạn nói về một vấn đề gì đó thì điều quan trọng thường không phải là để tìm phương án giải quyết. Cái chính là cô ấy cần được nói, giải toả, trút giận và thậm chí là cần có ai đó để cãi vã.
Đừng dại dột mà đối đầu với cô ấy. Cách tốt nhất là làm cho cô ấy cảm thấy mình đang đánh vào chỗ không người. Hãy làm cho mọi chuyện trở nên hài hước.
Ví dụ sau khi cô ấy "mở máy" một hồi, khi cô ấy dừng lại lấy sức hoặc chờ đợi phản ứng từ phía bạn, hãy tỏ vẻ thật “nai tơ” ngơ ngác hỏi: “Ơ sao em không nói nữa à?”. Làm bất cứ điều gì để cô ấy thấy rằng bạn đang thấy thú vị chứ không phải là bực bội, ức chế, muốn cãi vã.
3. Tẩu vi thượng sách
Ba mươi sáu chước, chuồn cũng là một kế không tồi. Đang lúc đối phương ngùn ngụt nhuệ khí, bạn có thể tạm lánh đi nơi khác. Tuy nhiên đừng bao giờ lạm dụng kế này nhiều quá nó sẽ làm cho cô ấy càng thêm giận dữ hơn.
Bạn chỉ nên tạm lánh đến một thời điểm nhất định rồi cũng phải đối mặt với sự thật. Bạn cũng nên giải thích cho cô ấy hiểu rằng bạn lánh đi là vì cả hai người cùng đang nóng giận, nếu gặp sẽ chỉ dẫn đến cãi vã không giải quyết được bất cứ vấn đề gì.
4. Thoả hiệp toàn bộ
Trong lúc vợ bạn đang cao trào luận tội, diễn thuyết hoặc ra lệnh, bạn hãy thoả hiệp tất cả. Nên nhớ là thoả hiệp chứ không phải đồng ý.
Nghĩa là bạn nên trả lời theo kiểu nước đôi, không bác bỏ nhưng cũng không hoàn toàn chấp nhận. Thậm chí bạn còn có thể đòi hỏi cô ấy tiếp tục ra lệnh, yêu cầu. Lúc ấy vợ bạn sẽ nhận ra rằng những đòi hỏi của cô ấy là vô lý không có tính khả thi.
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý, không nên cam kết hoặc hứa hẹn thực hiện những điều mà bạn không muốn làm. Vì nó có thể trở thành một ràng buộc với bạn sau này.
5. Quyết đoán
Mặc kệ cho nàng huyên thuyên mọi chuyện, bạn vẫn kiên quyết thực hiện những gì mà mình đã vạch ra. Tất nhiên đấy phải là những quyết định đã được cân nhắc thật kỹ lưỡng và nhiều khả năng nó đem lại thành công.
Sau khi sự việc xảy ra, vợ bạn sẽ tức điên khi chồng không nghe lời. Tuy nhiên, kết quả của công việc sẽ là lời chứng minh đanh thép, hùng hồn nhất.
Với những quyết định mạo hiểm, không chắc chắn thành công, thì bạn không nên áp dụng cho trường hợp này. Sau vài lần “không nghe lời” mà vẫn thành công, vợ bạn sẽ nhận ra sự vô lý của cô ấy và chắc sẽ không dám chỉ đạo nhiều như trước.
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)